TRUYỆN TRANH LỊCH SỬ: VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến !
Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân – Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…, đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc…”
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, hòa chung với không khí thiêng liêng chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), thư viện trường Tiểu học số 2 Nhơn Bình xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh quyển sách Truyện tranh lịch sử - Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Sách dày 27 trang, in trên khổ 24cm, lời của Đoàn Thị Tuyết Mai, tranh của Nguyễn Minh Kiên, do nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành năm 2017. Quyển sách Truyện tranh lịch sử - Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm trong bộ truyện tranh tái hiện lịch sử dân tộc từ thời dựng nước cho đến cuối thế kỷ XX. Những sự kiện, địa danh và nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử được minh hoạ bằng những hình ảnh sinh động, hấp dẫn. Qua từng câu chuyện, sẽ giúp độc giả đặc biệt là các em thiếu nhi hiểu biết thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong suốt hàng ngàn năm qua. Thấm nhuần những giá trị lịch sử do cha ông dày công hun đúc, các em sẽ thấu hiểu những nét văn hoá, phẩm chất và vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Quyển sách Truyện tranh lịch sử - Văn Miếu Quốc Tử Giám là câu chuyện kể bằng những hình vẽ chi tiết ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Quốc Tử Giám cho đến nay, cùng với lời văn cô đọng khắc hoạ trọn vẹn từng đường nét kiến trúc, từng ý nghĩa của các kiến trúc, các gian nhà trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho người đọc thấy được một vẻ đẹp hài hoà, mang đậm tính nhân văn. Văn Miếu – Quốc Tử Giám xứng đáng là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt.
Chuyện kể về mùa thu năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên là Thăng Long và cho xây dựng nhiều lâu đài, cung điện tại kinh thành. Nhân dân tụ họp về làm ăn ngày càng đông, tạo nên phố phường sầm uất. Lúc bấy giờ, đạo Phật được truyền bá rộng rãi ở nước ta. Các vua Lý đều theo đạo Phật. Chùa chiền được triều đình và nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng ở khắp nơi. Bên cạnh Phật giáo, hệ tư tưởng Nho giáo cũng được du nhập và phát triển khá mạnh mẽ.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng đã có gần 1000 năm lịch sử. Văn Miếu được xây dựng ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho khởi công xây dựng Văn Miếu để thờ các bậc tiên thánh, Khổng Tử và các bậc hiền triết Nho giáo. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám phía sau Văn Miếu, là nơi đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước và được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Dưới triều Trần, Quốc Tử Giám được mở rộng và thu nhận cả con cái thường dân có sức học xuất sắc. Ở thời kỳ này, Chu Văn An được cử làm Tư nghiệp (tương đương với Hiệu trưởng ngày nay) và là thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370, ông qua đời, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.
Dưới thời Lê, các vua Lê cho dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu để khích lệ, đề cao đạo học và những người hiền tài. Trải qua nhiều triều đại, quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám không ngừng được hoàn thiện và đổi mới. Văn Miếu – Quốc Tử Giám xứng đáng là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hằng năm đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Quyển sách còn tập hợp một số câu hỏi trắc nghiệm để các em có thể tự kiểm tra xem bản thân đã ghi nhớ được những dữ kiện, những cộc mốc quan trọng thông qua câu chuyện hay chưa. Qua đó các em sẽ thấy được lòng tự hào về truyền thống quê hương đất nước, cùng sự tri ân các anh hùng dân tộc chính là hành trang hữu ích giúp các em tiến bước vững vàng trong tương lai.
1. Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Truyện tranh/ Lời: Đoàn Thị Tuyết Mai ; Tranh: Nguyễn Minh Kiên.- Tái bản lần thứ 1, có chỉnh lý.- H.: Giáo dục, 2017.- 27tr.: tranh màu; 24cm.- (Truyện tranh lịch sử) ISBN: 9786040111678 Chỉ số phân loại: 959.731 NMK.VM 2017 Số ĐKCB: TN.01354, TN.01355, TN.01356, TN.01357, TN.01358, |
Hy vọng quyển sách Truyện tranh lịch sử - Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ giúp các em có thêm kiến thức lịch sử bổ ích. Cuốn sách hiện đang có trong tủ sách thiếu nhi của thư viện trường TH số 2 Nhơn Bình, các em cùng đến thư viện để tìm đọc cuốn sách này nhé.
Hẹn gặp lại quý thầy cô giáo và các em ở buổi giới thiệu sách tiếp theo. Xin trân trọng cảm ơn!